Cách mua nhà không bị “hớ” giữa mùa dịch
Trước khi quyết định mua nhà nên khảo sát các BĐS tương đồng về chủng loại, vị trí và giá.
Nhiều người mua nhà bị “hớ” giá
Có một thực tế là không phải ai cũng mua được nhà giá hợp lý ngay cả khi thị trường chững lại. Một số BĐS vẫn biểu hiện bán “đắt” mặc dù có những biến động do thiên tai, dịch bệnh, điều đáng nhẽ phải được cân chỉnh lại giá cho phù hợp để đón sức mua.
Những trường hợp mua nhà bị hớ, mua đắt so với giá thị trường chung, hoặc vướng pháp lý không chỉ rơi vào đối tượng những người mua nhà lần đầu, chưa có kinh nghiệm mà ngay cả các NĐT lâu năm trên thị trường cũng có những trường hợp mua phải giá “chát”.
Lúc thị trường biến động giá do dịch Covid-19 như hiện nay, vẫn có những người mua phải giá đắt do không tìm hiểu kỹ, vội vàng “xuống tiền” vì nghĩ sẽ mất cơ hội mua giá hợp lý giữa mùa dịch. Thế nhưng, bản thân họ cũng không nắm được việc mua đắt hay rẻ, hay hợp lý không thể hiện ở lời nói của môi giới hay chủ đầu tư mà ở chính sự tìm hiểu, đối chứng các BĐS cùng loại, cùng khu vực, vị trí, cùng phân khúc giá mới là điều quyết định đến việc mua đúng giá hay không.
Sau khi “xuống tiền” mua lô đất tại Q.9, Tp.HCM với giá 2.3 tỉ đồng/nền diện tích hơn 50m2 ngay sau đợt dịch lần 1 được kiểm soát tốt. Mua xong và đi công chứng khoảng 2 tuần, chị H mới xuống thăm đất và được biết, cùng thời điểm chị mua, lô đất cùng diện tích, vị trí chỉ bán ra với giá 2.150 tỉ đồng/nền.
Chị H, cho biết, cũng do vội vàng nên thành thử không tìm hiểu kỹ thị trường, không đối chứng được nhiều sản phẩm ở cùng khu vực nên tin vào môi giới mà “xuống tiền”. Tuy vậy, theo cách chị H nói thì khu vực này còn nhiều tiềm năng phát triển nên cũng “xuôi xuôi”, hơn nữa do mua để xây nhà ở nên chị cũng không lăn tăn nhiều. “Dĩ nhiên, tôi cũng tiếc số tiền mà bị mua hớ lắm”, chị H cười cho biết.
Còn anh N, một NĐT vào thị trường khoảng hơn một năm, có số tiền hơn 1 tỉ đồng nhàn rỗi, anh “xuống tiền” mua miếng đất 90m2 tại Nhơn Trạch với giá 1 tỉ đồng cách đây 2 tháng. Sau khi mua xong tìm hiểu anh mới tả hỏa bởi cùng diện tích, vị trí miếng đất bên cạnh bán ra có 820 triệu đồng. Vừa xót tiền, vừa bực vì quá tin lời môi giới mà không khảo sát kỹ càng giá cả, nhưng anh N, cũng đành “ngậm ngùi” vì “tiền đã trao, cháo đã múc”.
Thực tế thì mua, bán nhà đất là giao dịch phổ biến diễn ra hàng ngày tại tất cả các văn phòng công chứng từ phường xã, đến các tỉnh thành. Tuy nhiên, một giao dịch thành công, nhanh gọn mà bên mua không bị dính bẫy bởi các chiêu trò của môi giới, bên bán không bị làm phiền là điều không dễ dàng, đặc biệt là những căn nhà có giá trị lớn.
Làm sao để biết không bị mua đắt?
Theo các chuyên gia, trước khi quyết định mua nhà nên khảo sát các BĐS tương đồng về chủng loại, vị trí và giá.
Chia sẻ trên báo chí mới đây, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng, nếu giá bán cao hơn 10-15% so với giá thật của BĐS có thể gọi là đắt, còn đắt mức trên 30% là ngáo giá. Nhiều người có nhu cầu mua nhưng không có thời gian tìm hiểu nên mua nhà với giá quá cao mà không biết.
Vị chuyên gia này cho hay, ở một số khu vực, nhiều dự án căn hộ sau khi mở bán trong vòng 12-18 tháng đã tăng giá gấp đôi, dù chưa giao nhà và chất lượng nhà có thể không tương xứng với mức giá đó.
Ví dụ, với chi phí xây dựng 12 triệu đồng/m2, chủ đầu tư mở bán giá 60 triệu đồng/m2, sau đó sản phẩm bị thị trường đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2 trong khi chủ đầu tư không hề có nhu cầu tăng chi phí xây dựng sẽ khiến giá bán vượt xa chất lượng nhà ở.
Theo đó, giá nhà ở được xây dựng từ giá bán cơ bản, so sánh chất lượng với các sản phẩm khác trên thị trường, về hệ số xây dựng và uy tín của chủ đầu tư. Cùng với đó là phải bỏ thời gian ra để tìm hiểu kỹ lưỡng về BĐS mình định mua, đối chiếu với các sản phẩm cùng phân khúc, cùng vị trí xem giá cả chênh lệch như thế nào.
Theo một số chuyên gia, nếu đi mua BĐS mà chỉ chăm chăm vào một BĐS đó, tin vào lời một môi giới rất dễ mua phải giá “hớ”, thậm chí mua đắt hơn hẳn các BĐS cùng khu vực. Chẳng hạn, muốn mua một căn nhà phố tốt nhất là nên hỏi người hàng xóm đã từng ở lâu ở khu đó, xem giá cả ngôi nhà, đất đai ở đó ra sao, nhà này có vướng tranh chấp hay “đụng độ” với hàng xóm hay không. Nếu mua đất nền, thì cũng nên đi xem ít nhất 4-5 miếng, đối chiếu về giá, so sánh về tiềm năng của từng khu vực nơi BĐS tọa lạc để nắm giá cho chắc trước khi quyết định “xuống tiền”.
“Giá trị của căn nhà sẽ bị hao mòn, còn đất thì không. Do đó, một ngôi nhà mới, to, đẹp nhưng nằm tại khu vực không tốt cũng sẽ có giá trị thấp hơn so với một ngôi nhà cũ nhưng nằm ở vị trí đẹp. Chính vì vậy, trước khi mua nhà, người mua nên đưa ra những đánh giá chi tiết về khu vực nơi có ngôi nhà định mua, xem xét đến tiềm năng phát triển của khu vực đó”, một chuyên gia đưa lời khuyên.
Dĩ nhiên, theo kinh nghiệm của những NĐT lâu năm, có những người mua phải giá “hớ”, giá đắt hơn so với khu vực do không tìm hiểu kỹ hoặc “vội vã” xuống tiền, nhưng do khu vực đó tiềm năng phát triển, có một cú hích về cầu, đường, quy hoạch… thì bỗng nhiên giá BĐS tăng vọt. Đó là những người may mắn trong đầu tư BĐS. Tuy vậy, số lượng này trên thị trường khá ít. Còn nếu khi đã xác định tham gia đầu tư BĐS thì tốt nhất nên rành rọt khu vực đó, rành về phân khúc định đầu tư, tìm hiểu kỹ lưỡng về pháp lý và mọi yếu tố tác động thì mức độ an toàn trong đầu tư sẽ cao hơn.
Theo các chuyên gia, sự minh bạch về thông tin trên thị trường BĐS Việt Nam chưa cao, đó là lý do mà nhiều môi giới “qua mặt” người mua. Người mua bị lừa vì mua phải giá đắt, mua phải BĐS không chuẩn pháp lý khiến thị trường xảy ra những cuộc tranh chấp kéo dài, thậm chí mất tài sản.
Theo Báo dân sinh