Cơ hội bứt phá chỉ dành cho người dám đi đầu
Nói chuyện với sinh viên, giảng viên và cán bộ quản lý của Học viện Bưu chính Viễn thông sáng 19/9, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Mỗi cuộc cách mạng sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá vươn lên thành nước phát triển, tạo ra cơ hội cho một số đại học bứt phá vươn lên thành đại học hàng đầu. Đó là số ít dám đi đầu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi tọa đàm với Học viện Công nghệ BCVT. Ảnh: Trọng Đạt. |
Đột phá từ tư duy “làm ngược”
Theo Bộ trưởng, nói đến đột phá trong giáo dục đại học thì có thể nói đến một chữ là “làm ngược”. Làm ngược đi sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho những người đi sau nhưng không làm giống người đi trước.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi liền với “sự phá hủy mang tính sáng tạo” (Creative Destruction), nghĩa là phá hủy cái cũ, tạo ra cái mới. Người có quá nhiều quá khứ huy hoàng sẽ không có đủ can đảm để phá huỷ. Những ai không có gì hay có rất ít thứ trong tay thì cơ hội lại nhiều hơn.
Trước đây, đại học chỉ chú ý vào chuyện đầu vào, thi tuyển chặt chẽ; chú trọng cách học, cách dạy học. Bây giờ rất nhiều đại học chỉ tập trung làm chặt chuẩn đầu ra, còn học thế nào để sinh viên tự quyết nhiều hơn.
Trước đây, các đại học chỉ so với chính mình. Bây giờ, đại học phải so với các đại học khác. Vì thế, việc ban hành bộ tiêu chí và việc so sánh, đánh giá là rất quan trọng, giúp các trường biết mình yếu ở đâu để tìm giải pháp nâng cao thứ hạng.
Trước đây, sinh viên học trước rồi làm sau, đến trường phải có sách để học. Bây giờ, sinh viên làm trước rồi học sau, đến giảng đường đại học để học những nội dung chưa có trong sách, giáo trình. Vì vậy, đại học ngày càng huy động được nhiều người không phải giáo viên chính thức vào giảng dạy.
Sinh viên Học viện đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Trọng Đạt |
Trước đây, sinh viên không biết thì hỏi thầy. Bây giờ, phải biết thì mới hỏi, tức là phải tự học trước để biết mà hỏi.
Trước đây, đại học tập trung nhiều vào việc hướng dẫn giải quyết vấn đề, còn bây giờ chủ yếu dạy cách tìm ra vấn đề, thú vị hơn rất nhiều.
Trước đây, giáo viên là thầy. Bây giờ, giáo viên là huấn luyện viên, sinh viên làm là chính. Vì thế, việc dạy cũng dễ hơn và kết quả là nhiều trò giỏi hơn thầy.
Trước đây, cạnh tranh là làm giống người khác, cố gắng làm tốt hơn nhưng khó mà hơn được người khác. Bây giờ, cạnh tranh là khác biệt, là làm khác người khác, vì sự khác biệt đó mà hơn người khác.
Giảng viên Học viện Công nghệ BCVT đặt câu hỏi tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Đạt. |
Trước đây, các đại học thường phấn đấu để trở thành MIT – trường đại học công nghệ hàng đầu của Mỹ, việc này rất khó. Nhưng bây giờ thì phấn đấu để không trở thành MIT; sử dụng các công nghệ mới để làm khác, dạy khác, học khác MIT. Sẽ vẫn còn những doanh nghiệp cần sinh viên MIT, họ sẽ tuyển MIT. Nhưng cũng sẽ có những doanh nghiệp cần tuyển sinh viên khác MIT, họ sẽ tìm đến Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Khi làm khác MIT, cần phải làm việc khác đó một cách xuất sắc.
Cơ hội lớn để đi đầu về nghiên cứu công nghệ số
Lợi thế rất lớn của học viện là trực thuộc một bộ công nghệ số, một bộ có tới 50.000 doanh nghiệp công nghệ số, trong số đó có nhiều doanh nghiệp mạnh, với hàng triệu lao động, với doanh thu hàng năm trên 100 tỷ USD.
Học viện có cơ hội lớn nhất để trở thành đại học đi đầu về hoạt động nghiên cứu. Gắn đại học với nghiên cứu phải là khác biệt căn bản nhất. Nghiên cứu phải có sự tham gia của sinh viên, thầy cô. Phải phấn đấu để ít nhất 25% nguồn thu của học viện là đến từ nghiên cứu. Đã là giáo sư, phó giáo sư của học viện thì phải có hoạt động nghiên cứu, ít nhất 25% thời gian là dành cho nghiên cứu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời các câu hỏi của sinh viên Học viện tại buổi tọa đàm. Ảnh: Trọng Đạt. |
Ba doanh nghiệp đang tham gia Hội đồng trường, gồm Viettel, VNPT và CMC – là các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Rất nên thành lập một doanh nghiệp nghiên cứu trong học viện, vừa huy động các nguồn lực nghiên cứu của cơ sở, vừa gắn kết với nhu cầu nghiên cứu của doanh nghiệp, kết hợp được tư duy đại học và tư duy doanh nghiệp.
“Quốc gia số thu nhỏ” phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phải trở thành đại học số một Việt Nam về đào tạo công nghệ số phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Học viện phải đầu tư xây dựng các nền tảng số để ít nhất 70% nội dung giảng dạy được đưa lên các nền tảng, giáo viên sẽ tập trung vào tạo giá trị tăng thêm trên nền tảng này, hay nói cách khác là giáo viên đứng trên nền tảng này để giảng dạy. Đây là nền tảng mở, tích hợp những tinh hoa, liên tục được cập nhật.
Một trong những việc đầu tiên cần làm là biến học viện thành một “quốc gia số” thu nhỏ. Toàn bộ hoạt động của giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số. Mỗi người sẽ có một định danh số. Học viện là một xã hội thu nhỏ, với đa phần là người trẻ, năng động và đam mê công nghệ, rất thuận lợi để xây dựng một xã hội số. Phấn đấu đến quý 1/2021, học viện sẽ xây dựng nên đại học số đầu tiên tại Việt Nam.
Về nhu cầu đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Nhu cầu này không kém gì nhu cầu học đại học, nhưng là một thị trường to lớn hơn rất nhiều. Học viện cần nghiên cứu để thành lập ngay bộ phận giải quyết nhu cầu này. Không gì bằng các nền tảng, đó là các khoá học trực tuyến MOOC (Massive Open Online Course) được cá nhân hoá cho nhiều đối tượng người học và mở rộng ra toàn xã hội. Mỗi một nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số.
Nếu nhìn theo góc này, thì học viện ngày càng giống một công ty công nghệ, hơn là một trường đại học truyền thống dạy học. Học viện sẽ là một công ty công nghệ bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức dạy học của mình nên các nền tảng.
Chia sẻ nguồn lực với doanh nghiệp thì “không sẽ thành có”
Các doanh nghiệp vừa và lớn thì hầu như ai cũng có cơ sở đào tạo. Cái hay của họ là cơ sở vật chất tốt, thiết bị thực hành nhiều và phong phú, nhưng thường là không dùng hết công suất. Họ có cái mà đại học không có, nhưng lại thiếu chính là cái mà đại học có: nghề dạy học. Bởi vậy, bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp, hỗ trợ nghề dạy, thì học viện sẽ có rất nhiều cơ sở vật chất mà không phải đầu tư. Không những thế, những cơ sở vật chất này lại được đổi mới thường xuyên, luôn bắt kịp công nghệ mới.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khai trương phòng Lab 4G do Viettel tài trợ, rút ngắn độ trễ giữa giảng đường và thực tế. Ảnh: Trọng Đạt |
Đại học mở là đại học chia sẻ nguồn lực với doanh nghiệp. Khi không có tức là “có rất nhiều”. Mang cái đã có chia đi thì sẽ có cái mà mình không có. Những khó khăn của đại học không còn là khó khăn nữa. Chỉ cần nhìn khác đi, thay đổi mô hình hoạt động là không sẽ thành có.
Cựu sinh viên là tài sản lớn nhất
Chắc ít ai nghĩ rằng tài sản lớn nhất của một trường đại học chính là những người đã tốt nghiệp. Sẽ có rất nhiều giá trị sinh ra từ đây, như tỷ lệ có việc làm, lương trung bình, sự thành đạt sau 10-20 năm, những phản hồi về nhà trường, mong muốn đóng góp đề tài nghiên cứu, tham gia thỉnh giảng, giới thiệu trường cũ; đóng góp của người thành đạt… Ngay trong năm 2020, học viện phải xây dựng cơ sở về học viên của mình, theo dõi họ suốt cả chặng đường sau khi ra trường.
Kết thúc buổi làm việc với Học viện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận: Chiến lược nhiều khi chỉ là một góc nhìn khác, một cách tiếp cận khác, một mô hình vận hành khác. Làm tốt, làm xuất sắc một hay một vài cái thì có thể đã có một đại học xuất sắc. Với điều kiện, cái đó phải là khác biệt đúng. Những cái khác giống như các đại học khác thì vẫn phải làm tốt. Chiến lược tốt là phải khả thi, dễ làm nhưng yêu cầu rất cao là phải có niềm tin. Ông mong muốn các nhà quản lý suy nghĩ thấu đáo, chọn cho mình một niềm tin đúng và đi đến tận cùng để xây lên một học viện xuất sắc.
Ông Vũ Văn San |
Để trở thành trung tâm về giáo dục, đào tạo – nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ và tri thức hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TT&TT, Học viện đặt ra 4 mục tiêu chiến lược đến năm 2025, đó là: Trở thành trường đại học điển hình về chuyển đổi số; Sản phẩm đào tạo và khoa học công nghệ được quốc tế ghi nhận; Hệ thống tổ chức quản trị theo mô hình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới; Top 500 trường đại học hàng đầu châu Á.
Vừa qua, Học viện là trường đầu tiên tại Việt Nam có Khoa Fintech (công nghệ tài chính). Phấn đấu đến năm 2025 sẽ có tổng số 22 ngành đào tạo, chủ yếu hướng tới các ngành lai ghép, nhúng ngành kỹ thuật ICT vào các ngành khác như báo chí, truyền thông, kinh tế…
Ông Trần Minh Tuấn |
Học viện cần gắn kết 2 vai: Đại học của ngành TT&TT gắn với sự nghiệp chuyển đổi số – hàng năm đào tạo 14.000 sinh viên các hệ; Đại học của quốc gia phục vụ cộng đồng gắn với mô hình công dân học tập và xây dựng xã hội học tập – đào tạo 100 triệu người dân có nhu cầu nâng cao năng lực cốt lõi thế kỷ 21.
Có 4 đột phá chiến lược Học viện nên tập trung triển khai: Thứ nhất: Đột phá về chính sách/mô hình hoạt động: Lập đề án xin thí điểm (sandbox) các chính sách, mô hình chuyển thành “doanh nghiệp công nghệ số”, tự chủ đại học; Áp dụng phương pháp dạy học mới “thực hành trước, lý thuyết sau; Mô hình nhiều trường trong học viện; Đề xuất đại học ảo trên cơ sở sử dụng chung nền tảng dạy học “Make in Vietnam”, tập trung một số môn học mới…
Hai là trở thành một nền tảng mẫu giáo dục đại học số: Thay thẻ sinh viên bằng ứng dụng app, quản lý dựa trên dữ liệu; Cá thể hóa chương trình đào tạo theo nhu cầu của sinh viên, quản lý dựa trên dữ liệu.
Ba là tham gia hiệu quả các nền tảng giáo dục số của thế giới: Hướng tới các nguồn doanh thu mới từ các mô hình kinh doanh/đào tạo sáng tạo thích ứng với công cuộc chuyển đổi số; Xây dựng chương trình đào tạo bằng tiếng Anh theo các chuyên ngành/lĩnh vực có lợi thế.
Bốn là trực tiếp trở thành nhà đầu tư cho công nghệ, sở hữu công nghệ: Tổ chức quỹ đầu tư cho công nghệ, vườn ươm công nghệ, vườn ươm sinh viên khởi nghiệp… ; Tạo môi trường thử nghiệm các sản phẩm công nghệ mới, thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ số…
Ông Nguyễn Huy Dũng |
Với quan điểm “đại học là quốc gia thu nhỏ, đại học số là quốc gia số thu nhỏ”, có thể áp dụng nguyên tắc “4 không 1 có” của Chính phủ số để quản lý Học viện số. “4 không” là xử lý văn bản không giấy, họp không gặp trực tiếp, xử lý công việc hành chính không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt. “1 có” là có khả năng cung cấp dịch vụ kịp thời theo yêu cầu cá thể hóa.
Áp dụng kinh tế số, mỗi sinh viên hãy trở thành một doanh nhân trong chính lĩnh vực mình học. Để hình thành xã hội số trong Học viện thì cần xây dựng, hình thành được văn hóa số.
Học viện cần trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhân tài. Lãnh đạo trường, trưởng khoa trực tiếp tiếp cận học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế, mời về làm sinh viên Học viện. Từ đó sẽ thu hút nhiều sinh viên xuất sắc khác cùng theo về học…
VietNamNet