Home / Kinh doanh / Đón doanh nghiệp lớn Mỹ, Hàn rời Trung Quốc sang Việt Nam

Đón doanh nghiệp lớn Mỹ, Hàn rời Trung Quốc sang Việt Nam

Tiến trình kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả của Việt Nam (VN) đang tạo niềm tin cho các tập đoàn đa quốc gia xem VN là một trong các điểm đến an toàn để xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc (TQ).

Việt Nam đón nhiều DN lớn thế giới

Biểu hiện cho làn sóng này, vừa qua hãng tin Nikkei của Nhật dẫn các nguồn tin từ Apple cho hay trong quý II-2020, gã khổng lồ công nghệ Apple có kế hoạch sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe không dây AirPods tại VN. Con số này chiếm đến 30% tổng sản lượng AirPods của hãng.

Apple đang dần hình thành chuỗi cung ứng các nhà sản xuất chuyên về lĩnh vực âm thanh tại VN. Đây là dấu hiệu cho thấy hãng này đang dịch chuyển việc sản xuất ra khỏi TQ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trước đó, các tập đoàn lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã và đang xây dựng nhà máy tại VN. Đơn cử Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc, một trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, đã khánh thành nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay tại Hà Nội. Tập đoàn Yokowo của Nhật Bản chuyên sản xuất thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang tỉnh Hà Nam.

Đáng chú ý, hai hãng công nghệ lớn Nhật Bản là Sharp và Kyocera vừa tuyên bố đã hủy kế hoạch sản xuất LCD, laptop, máy photocopy, màn hình đa năng… cho thị trường Mỹ tại TQ và sẽ xây dựng nhà máy tại nước ta.

Một báo cáo do Công ty Chứng khoán VNDirect công bố mới đây cũng cho hay Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ TQ sang VN, Thái Lan. Hai ông lớn này dự kiến bán điện thoại Pixel4A, Pixel5 và máy tính Surface tại VN trong quý II này. Tương tự, các ông lớn như Samsung, Intel, Nike, Adidas cũng tham gia vào xu hướng chuyển sang sản xuất tại VN.

Đón doanh nghiệp lớn Mỹ, Hàn rời Trung Quốc sang Việt Nam - ảnh 1
Kiềm chế tốt COVID-19 đang mở ra cơ hội vàng cho VN đón nhận thêm các ông lớn thế giới.  Trong ảnh: Công nhân Samsung sản xuất, lắp ráp tivi. Ảnh: TL

Thời cơ vàng của Việt Nam

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Quỹ đầu tư VinaCapital, nhận định dịch bệnh đã khiến các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận lại việc xây dựng chuỗi cung ứng tránh phụ thuộc vào TQ. Trong khi đó, các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả của VN đã ghi điểm rất lớn trong mắt các tập đoàn đa quốc gia. Trên cơ sở này, họ nhìn nhận VN sẽ là nơi “thoát Trung”, là điểm đến đầu tư hấp dẫn và không dễ gặp rủi ro vì dịch bệnh.

“Vì lý do này, chúng tôi tin rằng sẽ có dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp rất lớn vào VN. Đặc biệt là làn sóng các dòng vốn đầu tư có chất lượng cao sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát trên toàn cầu” – ông Michael Kokalari nhận định.

Quỹ đầu tư VinaCapital cũng nhìn nhận khả năng lớn của VN đón nhận các dòng đầu tư về sản xuất các thiết bị y tế và biến mình là một trung tâm của thế giới trong việc sản xuất các mặt hàng này. Đây là thị trường có giá trị cao và rất lý tưởng nếu các công ty nội địa có khả năng sản xuất các mặt hàng thiết bị y tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này có độ phức tạp cao nên từng bước tiếp cận các mặt hàng có mức độ phức tạp thấp hơn, như thực hiện gia công nghiên cứu lâm sàng (CRO).

“Nhiều năm qua, ngành công nghiệp CRO chuyển sang thực hiện ở các nước mới nổi, đặc biệt là TQ vì cắt giảm nhiều chi phí. Nhu cầu về các dịch vụ CRO sẽ tiếp tục tăng nhanh trong nhiều năm đến giai đoạn hậu COVID-19. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng VN cố gắng nắm bắt các cơ hội này thông qua thúc đẩy phát triển ngành CRO tại các công ty nội địa nhằm phục vụ cho các tập đoàn quốc gia trong lĩnh vực này. Hiện tại, VN đã có nhiều công ty CRO và chúng tôi gợi ý nên phát triển cụm công nghiệp CRO tại Huế, nơi có trường đại học y danh tiếng và một di sản học thuật có uy tín cao” – Quỹ đầu tư VinaCapital khuyến nghị.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là thời cơ quý báu không dễ gì có được khi VN đang hội tụ nhiều yếu tố và điều kiện để đón nhận làn sóng đầu tư mới, qua đó tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển. Do đó, VN cần hành động nhanh và mạnh mẽ hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa chớp lấy thời cơ vàng.

Tạo đà cho phục hồi kinh tế

Việc đón các làn sóng đầu tư mới có thể tạo đà cho VN đi trước một bước để phục hồi kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. Hơn nữa các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA chính thức có hiệu lực và tạo lợi thế cho các doanh nghiệp VN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiêp VN.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG

Không ngồi một chỗ chờ “đại bàng” bay đến

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá VN đang có những lợi thế về chi phí sản xuất thấp, nhân công rẻ. Hơn nữa, vị trí VN rất thuận tiện trong giao thương hàng hóa quốc tế, cơ hội phát triển logistics rất lớn. Song quan trọng là VN cần tiếp tục cải thiện hơn nữa chính sách, môi trường kinh doanh.

Bởi so với một số nước khác, VN đang có các ưu thế như lao động cần cù, mức lương thấp. Nhưng điểm yếu của nước ta là cơ sở hạ tầng còn yếu, thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Do vậy, VN cần triển khai đồng loạt các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và cấp phép, giúp các nhà đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tiếp cận ngay để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia đang có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi TQ, không thụ động chờ họ tìm đến mình.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhìn nhận đại dịch COVID-19 là chất xúc tác khiến tiến trình dịch chuyển của các công ty từ TQ sang Đông Nam Á, trong đó có VN diễn ra nhanh hơn.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng thêm 1% thì GDP VN năm 2020 tăng trưởng thêm 0,08 điểm %. Muốn vậy, VN cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội hiếm có này” – ông Lực nhấn mạnh.

Nhiều nước nhanh chân hơn

Theo một nghiên cứu vào đầu tháng 4 của hãng nghiên cứu thị trường Harris Polling (Mỹ), 70% người Mỹ cho rằng các công ty Mỹ nên thu hẹp quy mô sản xuất tại TQ. Các tổ chức như JETRO (Nhật) hay AT Kearney (Mỹ) đều dự đoán rằng VN sẽ là một trong những nước hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi TQ.

Đáng chú ý, Mỹ đang nỗ lực thiết lập một “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế” gồm một nhóm các đối tác đáng tin cậy như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, VN và New Zealand. Mục tiêu của mạng lưới này là để thúc đẩy một chương trình nghị sự nhằm giảm sự lệ thuộc vào TQ trong việc đảm bảo nguồn cung, nhất là trong các trường hợp khẩn cấp.

Đón doanh nghiệp lớn Mỹ, Hàn rời Trung Quốc sang Việt Nam - ảnh 2
Muốn thu hút được các công ty lớn, công nghiệp phụ trợ tại  Việt Nam như điện tử phải phát triển. Trong ảnh: Lắp ráp điện tử tại một công ty. Ảnh: QH 

Đây được xem là cơ hội vàng để VN mời gọi các tập đoàn lớn thế giới vào đầu tư vì họ có công nghệ hiện đại, cách làm việc khoa học. Tuy nhiên, nhiều nước đã nhanh chân tung ra các chương trình ưu đãi đặc biệt để thu hút các tập đoàn tháo chạy khỏi TQ. Đơn cử Ấn Độ đã công bố hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng để lôi kéo trên 1.000 công ty nước ngoài, đa số là Mỹ đang có chuỗi cung ứng ở TQ. Các công ty này nằm trong các lĩnh vực điện tử, điện thoại di động, thiết bị y tế, dệt may.

Thái Lan cũng đưa ra hàng loạt chính sách thu hút đầu tư mới về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài. Không đứng ngoài cuộc, Malaysia đã đưa ra nhiều chương trình nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các công ty nước ngoài đến đầu tư tại nước này.

Như vậy có rất nhiều nước tham gia cuộc đua đón dòng vốn từ các công ty muốn chuyển khỏi TQ. Trong cuộc đua này, nếu VN chậm chân sẽ vuột mất cơ hội vàng.

PHƯƠNG MINH – QUANG HUY

About Đặng Văn Nhiên

Nên đọc

13 NGUYÊN TẮC VÀNG VỀ NGHĨ GIÀU LÀM GIÀU

“Nghĩ giàu và Làm Giàu” một cuốn sách kinh điển về làm giàu, làm người …

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *