Từng bảo với người bạn, đất Q.9, Nhà Bè…còn trống đầy ra, xuống mãi Long Thành (Đồng Nai) mua làm gì, ai về đó mà ở, chị Vũ Thị K không ngờ vì nghe theo lời bạn mà “trúng quả đậm” đến mức không cần phải đi làm thuê nữa.
Năm 2013, dành dụm sau 2 năm đi làm được 450 triệu đồng chị Vũ Thị K, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty nước giải khát của nước ngoài (trụ sở tại Tp.HCM) đánh quả liều đi mua đất Long Thành.
Chị K kể lại, vào năm đó, chị nghe “phong thanh” cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sắp triển khai. Một vài người bạn làm cùng công ty rủ chị mua đất ở Long Thành nhưng chị ngợ ngợ và nói với bạn, đất Q.9, Nhà Bè…còn trống đầy ra, xuống mãi Long Thành (Đồng Nai), mua xa như vậy làm gì, ai về đó mà ở.
Thời điểm đó, đất đai ở Tp.HCM còn đứng im vì bong bóng, càng khiến chị tin rằng, mua đất ở xa chỉ có “đem tiền vứt qua cửa sổ”. Thế nhưng, ngay lúc đó, vài người bạn làm cùng công ty vẫn xuống Long Thành mua đất khiến chị cũng sốt ruột. Nghĩ trong bụng, hay là cứ đánh liều mua xem thế nào. Sau nhiều lần đắn đo nhưng mấy người bạn “hùa vào” nói thông tin xây sân bay là chắc chắn chỉ là chuyện thời gian thôi, chị K đánh liều đi tìm hiểu đất Long Thành để mua.
“Lúc đó, tôi nghĩ với số tiền không quá lớn trong tay, công việc lại ổn định thì cũng không đáng lo ngại nếu mất số tiền này nên cũng đánh liều một lần xem sao”, chị K kể lại.
Nhờ người bạn đã mua đất khu vực này giới thiệu một môi giới dẫn đi xem đất, chị K cho biết, lần đầu xuống xem đất khá bối rối vì thực sự không có kinh nghiệm, lại không rõ địa bàn, đất đai thì bao la, không biết phải chọn lựa thế nào. Thậm chí, khi đi xem vài vòng thấy vô cùng hụt hẫng bởi nơi đây cư dân vắng bóng, đi xa chút là rừng cao su, cư dân sinh sống rất thưa thớt.
Lúc đó, chị K được một môi giới dẫn đi xem các mảnh đất giá mềm đến giá cao, từ đất nền lẻ đến đất công, đất thổ cư, đất trồng cây lâu năm…
Thời điểm đó, do thị trường BĐS đang rơi vào khủng hoảng nên giá đất đai khá mềm. Những mảnh đất trồng cây lâu năm (xen một ít đất thổ cư) chỉ rơi vào tầm 20-30 triệu đồng/1.000m2. Chị K đem ra so sánh, lúc đó tại Q.9, Tp.HCM 450 triệu đồng/nền diện tích 50m2 thì với số tiền đó ở đây chị có thể mua được 5 nền. Còn nếu đi xa khu dân cư hơn nữa có thể mua được 6-7 nền.
Theo kinh nghiệm của chị K, mua BĐS không nên chạy theo thời thế, phải biết chắt lọc theo cách riêng của mình
Bạn môi giới dẫn chị K đi xem mảnh đất 20.000m2 có giá 620 triệu đồng (trong đó có 50m2 đã lên thổ cư), tức khoảng 30 triệu đồng/1.000m2 tại xã Long An, Long Thành nhưng chị K không ưng ý vì xa khu dân cư. Được môi giới tư vấn mảnh đất này có thể chuyển sang đất thổ cư, tách nền được nên cũng “xuôi xuôi”. Nhưng ngay lúc đó, chị K nghĩ, nếu giờ tách nền thì cũng ai mua, nên nếu mua thì cứ để đó rồi tính sau.
“Lúc đó, tôi nghĩ cứ để đó 5-10 năm nếu bán không được thì làm của để dành cho con cái hoặc về làm nhà vườn cũng được, nhà 3 đứa con mỗi đứa mỗi ít”, chị K cười cho hay.
Sau khi đi xem đất, chị K về bàn với chồng, anh chồng quyết liệt phản đối vì “không thấy tương lai”. Thế nhưng, sau một hồi phân tích, chồng chị cũng đành “ngã ngũ” theo kiểu, vợ thích làm gì thì làm.
Đến ngày quyết định mua và chuẩn bị đi sang tên, hai vợ chồng vẫn lục đục, cãi nhau vì mỗi người một ý, chồng chị vẫn không muốn mua miếng đất. Sau khi thương lượng, chủ đất bán cho chị mảnh đất 20.000m2 với giá 600 triệu đồng (tức bớt 20 triệu). Thế nhưng, trong tay chị lúc đó chỉ có 450 triệu đồng. Sau một hồi thuyết phục chồng lần nữa, 2 vợ chồng chị quyết đi vay thêm ngân hàng 150 triệu đồng để cho tròn 600 triệu đồng.
Với thu nhập lúc đó, chị K nghĩ với số tiền vay 150 triệu đồng không đáng lo ngại. Sau khi quyết định, thỏa thuận với chồng, 2 vợ chồng chị K đặt cọc mua và đi sang tên. Thời điểm đó, thị trường BĐS khắp cả nước im ắng, không mấy người đi mua bán BĐS, chị K nghĩ trong bụng, chính lúc này thì mình đi mua, chứ đợi lúc nóng lên thiên hạ “bu vào” thì chưa chắc đã mua được giá tốt.
Sau khi mua đất xong, 2 vợ chồng chị K tập trung làm ăn và không nghĩ ngợi gì đến đất đai, chỉ lo trả lãi – gốc ngân hàng tháng cho khoản vay 150 triệu đồng.
Đến năm 2017, chồng chị K mở quán kinh doanh quán nhậu tại Q.2, Tp.HCM nhưng thiếu vốn kinh doanh. Lúc này, biết mảnh đất mình mua có lên giá do ăn theo cảng hàng không quốc tế Long Thành. Do đang cần tiền cho chồng kinh doanh, chị K lân la hỏi giá đất xung quanh mảnh đất mà chị mua và trong đầu dự định nếu được giá sẽ bán miếng đất để lo việc kinh doanh riêng.
“Khi hỏi giá đất, tôi choáng váng khi được biết, giá đất nền thổ cư xung quanh mảnh đất của mình có giá từ 1-1.2 tỉ đồng/nền diện tích 80-100m2″. Tôi nghĩ bụng, hay là mình lên thổ cư rồi phân lô bán nền”, chị K cho hay.
Thế nhưng, để lên thổ cư thì sẽ mất thêm thời gian và tiền bạc, trong khi chồng chị lại đang cần vốn để mở quán nhậu ngay nên chị K quyết định rao bán. Sau khi tham khảo giá các mảnh đất lân cận, Chị K nghĩ, mảnh đất của mình diện tích lớn nên chắc giá sẽ rẻ hơn nên chị quyết định rao 90 tỉ đồng cho diện tích 20.000m2. Sau một tuần gửi các môi giới rao bán, một môi giới báo lại có khách trả mảnh đất của chị 80 tỉ đồng.
“Lúc này tôi hồi hộp lắm, vì vẫn không tin mảnh đất 600 triệu năm xưa mà giờ đã lên cao như thế. Nhưng với giá đó, tôi nói môi giới không bán được”, chị K kể lại.
Bẵng đi khoảng 2 tuần, nghe theo lời tư vấn của môi giới lại đang cần tiền, có khách trả giá 84 tỉ đồng, chị K quyết định bán ra để lấy vốn cho chồng kinh doanh (lúc này chồng đã nghỉ việc hẳn ở công ty), mặc dù trong lòng chị vẫn nghĩ, bán giá này còn “hớ” vì có thể giá còn cao hơn nữa nếu để một thời gian.
Sau khi bán xong mảnh đất với giá 84 tỉ đồng, chị K nghỉ làm việc ở công ty đang làm mà tập trung vào việc kinh doanh với chồng. Số tiền có được từ đất, chị trích một phần vào việc kinh doanh quán nhậu, một phần tiếp tục mua đất Q.9 và Nhơn Trạch. Hiện các mảnh đất tại khu vưc này chị K vẫn chưa bán ra.
Theo cách chia sẻ của chị K, bản thân chị không phải dân đầu tư BĐS có kinh nghiệm trước đó, cũng không lướt sóng, mà mua đất đai theo kiểu để đó lâu dài. Thế nhưng, kinh nghiệm của chị là thay vì lúc sốt đổ xô đi mua thì lúc thị trường đứng im là cơ hội để mình mua được giá rẻ, có nhiều lựa chọn hơn. Để đó và chờ lúc thị trường tốt lên sẽ bán ra.
Ngay cả cách đây 2 năm mua đất Q.9 và Nhơn Trạch, chị K vẫn để đó chưa vội bán ra mà chờ lúc thị trường thực sự tốt lên mới bán. Kiểu đầu tư dài hạn này, theo chị K mức lợi nhuận sẽ tốt hơn là lướt sóng ngắn hạn. Cơ bản do có dòng vốn nhàn rỗi nên việc bỏ vào đất và chờ đợi là cách chị K lựa chọn.
“Quan điểm của tôi đầu tư đất bây giờ là không chạy theo thời thế và đám đông, đi theo cách của mình và có sự chắt lọc. Đôi khi nếu nắm được các thông tin quy hoạch và liều với tài chính thì cũng mang lại những điều bất ngờ không thể ngờ tới”, chị K chia sẻ.