Nhắc đến Lý Tiểu Long (Bruce Lee), người ta sẽ nhớ ngay đến huyền thoại võ thuật nổi tiếng một thời, người sáng tạo Triệt quyền đạo – 1 trong 25 môn võ được bình chọn là đáng sợ nhất hành tinh. Thế nhưng, rất ít người biết rằng ông cũng là một triết gia, với những suy nghĩ sâu sắc về sự tồn tại cùng một tầm nhìn xa để sống một cuộc đời tốt đẹp.
Cả cuộc đời Lý Tiểu Long chính là cuộc hành trình khám phá bản thân mình. Ông luôn tâm niệm: Điều làm nên sự khác biệt giữa con người với nhau không phải là những chuyện đã xảy ra, mà là cách con người chọn để đối mặt với tình huống.
Theo Linda Emery – người vợ năm xưa của Lý Tiểu Long, rốt cuộc ông cũng đã tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình: “Đích đến cuối cùng trong cuộc hành trình của Bruce là sự bình yên trong tâm hồn – đó là ý nghĩa đích thực của cuộc sống”.
Hiểu được những triết lý dưới đây của Lý Tiểu Long, có lẽ bạn cũng tìm ra ý nghĩa của chính cuộc đời mình.
Về Đạo giáo
“Hai thế lực Âm – Dương, nhìn qua thì tưởng đối lập, nhưng trên thực tế lại phụ thuộc lẫn nhau. Thay vì đối nghịch, chúng gắn bó mật thiết và liên tục chuyển hóa cho nhau.”
Đạo giáo vừa là một nhánh triết học, vừa là một tôn giáo cổ xưa bắt nguồn từ Trung Quốc, với mục đích giúp con người sống một cuộc đời hài hòa.
Theo Lý Tiểu Long, Quy luật Hài hòa dạy rằng bạn nên tìm cách hòa hợp với sức mạnh và các thế lực đối nghịch mình. Điều này áp dụng cả trong kungfu lẫn cuộc sống. Nếu chẳng may gặp phải đối thủ, thay vì đánh bại anh ta bằng sức mạnh của mình, bạn hãy lùi lại một bước, để rồi đánh bại người đó bằng chính sức mạnh của anh ta.
Ông đã minh họa cho nguyên tắc này bằng hình ảnh ẩn dụ đơn giản về câu lau: Khi gặp gió mạnh, cành bách thẳng quá dễ gãy, còn cành lau biết oằn mình trước áp lực để tồn tại.
Bài học: Đừng bao giờ tỏ ra tức giận, đừng để hoàn cảnh đánh gục chính mình. Điều này không phải ai cũng dễ dàng học được mà phải biết kiên nhẫn rèn luyện theo thời gian.
Về Kungfu và quá trình luyện tập
“Kungfu là một loại kỹ năng đặc biệt, một trường phái võ thuật chứ không chỉ là một bài tập thể chất tầm thường. Nó là một loại hình nghệ thuật tinh tế kết nối bản chất của tiềm thức để phù hợp với những kỹ thuật mà nó thể hiện.”
Theo Lý Tiểu Long, học kungfu cần phải trải qua ba giai đoạn, cũng giống như tiếp thu bất kỳ kỹ năng nào mới.
Đầu tiên là giai đoạn sơ đẳng, khi mà bạn vẫn chưa biết một tí gì. Lúc này, bạn làm mọi thứ theo bản năng, không hề có chút kỹ thuật nào.
Sau đó là giai đoạn “nghệ thuật”, khi bạn mới học một kỹ năng mới và trình độ vẫn còn đang lên xuống thất thường. Lúc này, bạn sẽ có xu hướng dừng lại và suy nghĩ quá nhiều, thành thử bị bó buộc bởi chính trí tuệ của mình.
Tuy nhiên, sau nhiều năm rèn luyện, bạn sẽ đạt đến trình độ “tự nhiên”. Khi ấy, mọi thứ đều diễn ra một cách tự nhiên, không ràng buộc. Bạn không còn áp đặt suy nghĩ của mình lên thế giới, mà xuôi theo chiều gió. Bạn trở nên vô hình dạng, giống hệt như nước.
Lý Tiểu Long quan niệm rằng muốn học hỏi một lĩnh vực mới thì phải tiếp cận bằng tư duy của một người mới bắt đầu. Tâm trí chúng ta cũng giống như cái ly nước: ly đã đầy thì không thể đổ nước thêm, tự cho mình là kẻ biết tuốt thì không học được gì. Vì thế, muốn học hỏi, bạn phải làm rỗng cái ly trước.
Bài học: Khi học hỏi điều mới, đừng bao giờ để cái tôi ngáng đường mình. Đừng tưởng mình đã biết hết mọi thứ, hãy luôn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của một người mới bắt đầu.
Về phân biệt sự thật với ý kiến
“Khách quan là sự thật. Chủ quan là ý kiến. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc bạn NGHĨ điều gì đó là sai với việc chứng minh, giải thích điều ấy là sai.”
Suy nghĩ và chứng minh để củng cố lập luận của mình là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có ý kiến riêng của bản thân về nhiều vấn đề, nhưng họ chẳng bao giờ tìm hiểu xem tại sao mình nghĩ như vậy.
Bài học: Bạn cần học cách phân biệt giữa sự thật với ý kiến. Hãy thử rèn luyện kỹ năng “siêu nhận thức”, cởi mở trước mọi vấn đề và luôn sẵn sàng thay đổi suy nghĩ nếu sự thật mới đi ngược lại với niềm tin của bạn.
Về tri thức
“Mọi loại hiểu biết, suy cho cùng đều là hiểu biết về bản thân.”
Cổ nhân từng dạy, muốn sống một cuộc đời tốt đẹp hơn, trước tiên là phải biết mình biết ta. Điều đó có nghĩa là bạn phải tìm hiểu về nội tâm của chính mình, đồng thời học hỏi về cả thế giới bên ngoài.
Bởi lẽ, chúng ta không tồn tại độc lập mà cùng sinh sống trong một môi trường nhất định. Biết rõ về thế giới bên ngoài cũng là cách để chúng hiểu sâu hơn về bản thân.
Bài học: Học, học nữa, học mãi. Hãy học hỏi thông qua kinh nghiệm. Hãy thử thách bản thân với những khó khăn, chẳng hạn như chơi thể thao, tập thể dục, hay leo núi. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những gì đã học được về bản thân, về tư duy và ý chí của mình trong quá trình ấy.