Bạn kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng, điều quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu tiền và bạn làm thế nào để bắt tiền làm việc cho mình cũng như khiến cho “TIỀN ĐẺ RA TIỀN”
-Robert Kiyosaki-
Có bao giờ bạn tự hỏi mình những câu hỏi sau không:
Vì sao người nghèo luôn chật vật để kiếm tiền còn người giàu thì ngày càng giàu lên?
Có bao giờ bạn tự hỏi mình đã thực sự tự do tài chính chưa, và nếu ngưng làm việc hay thất nghiệp thì mình sẽ tồn tại được bao lâu với số tiền tiết kiệm?
Tất cả những việc chúng ta đang làm và kiếm tiền nhằm mục tiêu cuối cùng là có được sự hạnh phúc. Ai sống trên đời cũng cần tiền và tiền đóng một vai trò rất quan trọng để có hạnh phúc. Nếu ai đó nói tiền thật sự không quan trọng thì chắc người đó đã có quá nhiều tiền hoặc sống chưa bao giờ thiếu tiền.
Và chủ đề tiền bạc thường không được dạy ở trường học, và hầu hết chủ yếu học từ cha mẹ hoặc tự học. Chúng ta học vô số kiến thức trong nhà trường, nhưng lại không có bộ môn nào dạy chúng ta quản lý tài chính cá nhân. Chúng ta học đủ kỹ năng và kiến thức trên đời, nhưng kỹ năng tối quan trọng là làm thế nào quản lý tiền của mình để tiền sinh ra tiền nhằm giúp bản thân và gia đình cả đời an toàn về tài chính thì lại không trường lớp nào dạy.
Cuốn sách Cha Giàu – Cha Nghèo và bộ sách Dạy Con Làm Giàu của tác giả Robert Kiyosaki sẽ chỉ cho bạn biết sự khác nhau cơ bản về tư duy của “Người giàu” và “Người nghèo”. Cuốn sách này cũng có tác động tư duy tài chính đến hàng triệu người. Nội dung cuốn sách không dạy bạn cách làm giàu, mà giải thích lý do tại sao người ta trở nên giàu có. Đây không chỉ là cuốn sách ai cũng nên đọc một lần mà còn là cuốn sách cha mẹ có thể sử dụng để giáo dục sớm cho con cái về tài chính.
Đây là cuốn sách nói về những bộ phận người kiếm tiền khác nhau trong xã hội. Giúp bạn xác định được vị trí công việc hiện tại của bạn, cách bạn đang kiếm tiền từ từng vị trí đó và hoạch định vị trí mà bạn mong đợi trong tương lai, trên con đường đi đến với tự do tài chính của riêng mình.
Robert có hai người cha, một người Cha Giàu (Cha nuôi là người chỉ học tới trung học) và một người Cha Nghèo (Cha ruột là người có học vấn rất cao). Cả hai đều thành công trong sự nghiệp và có ảnh hưởng đến người khác, nhưng tư duy dạy con của hai người cha hoàn toàn khác nhau. Tác giả của cuốn sách đã phải suy nghĩ và cũng học hỏi được rất nhiều điều từ lời dạy của hai người cha như:
Người Cha Nghèo (Cha Ruột)
1. “Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu.”
2. “Tôi không mua nổi vật đó.”
3. “Phải học cho giỏi thì mới được làm việc ở những công ty tốt.”
4. “Ngôi nhà là số đầu tư nhiều nhất và là tài sản lớn nhất của chúng ta.”
5. Tiết kiệm từng đồng một.
6. “Tôi sẽ không bao giờ giàu lên nổi.”
Người Cha Giàu (Cha Nuôi)
1. “Thiếu thốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi điều xấu.”
2. “Làm thế nào để mua được vật đó…?”
3. “Học cho giỏi thì mới mua được những công ty tốt.”
4. “Ngôi nhà cũng là một khoản tiền phải trả và nếu ngôi nhà là khoảng đầu tư lớn nhất của con, thì con gặp rắc rối
rồi đấy.”
5. Dùng tiền để đầu tư.
6. “Tôi không làm việc vì tiền, mà tiền bạc phải làm việc vì tôi.”
Nếu bạn đã sẵn sàng tham gia cuộc hành trình hoặc đang trên con đường đi đến với tự do tài chính thì cuốn sách này dành cho bạn. Khi đọc và chia sẻ cuốn sách này sẽ giúp tôi:
– Rút ngắn được rất nhiều thời gian học tập, thâm nhập được tư duy, kinh nghiệm, kiến thức và tinh thần của những người thành công. Nếu bạn muốn có cái gì đó, bạn phải cho đi trước đã. Nếu muốn học về tiền bạc, hãy dạy hoặc chia sẻ điều đó cho người khác.
– Khi đọc xong cuốn sách này chúng ta sẽ hiểu mô hình “Kim tứ đồ”, tài sản và tiêu sản, tư duy dạy con của người cha giàu và cha nghèo, các chiến lược đầu tư,… Vì vậy, khi nghe người khác nói chuyện chúng ta sẽ nhìn thấy, cảm nhận được cách tư duy và nội tâm của người đó, cũng như khả năng tài chính của người đó.
– Thông qua bộ sách giúp chúng ta định hình được cách dạy con cái từ hai người cha, cũng như thay đổi tư duy làm giàu.
Sau đây là một số bài học rút ra từ cuốn sách:
1. Kim tứ đồ hay ngã tư nghề nghiệp:
– Sơ đồ này chỉ đơn giản chỉ ra các cách tạo ra thu nhập khác nhau ở các nhóm khác nhau.
* Nhóm E ( Làm Thuê ):
– Bạn có một việc làm và làm thuê, làm giàu cho ông chủ hoặc nhà nước. Bán thời gian + công sức = Thu nhập.
– Đặc điểm của nhóm này là thích “Công việc ổn định, an toàn, có mức lương cao và nhiều phúc lợi, chế độ bảo hiểm tốt”.
– Họ không thích mạo hiểm, thích đặt sự an toàn quan trọng hơn tiền.
– Quan điểm của nhóm này “Tôi cho bạn điều này, bạn phải cho tôi điều khác”, tức họ thích nhận trước cho sau.
– Nhóm này thường không có nhiều tiền lắm, không cần cố gắng và nỗ lực nhiều.
– Nhóm này chí tiến thủ thấp, ít học thêm kiến thức ngoài chuyên môn, kinh tế biến động hoặc càng về sau càng dễ bị đào thải.
– Hay ghen tị và không chúc mừng với thành công của người khác.
* Nhóm S ( Tự Làm Chủ ):
– Thường làm tự do hoặc chủ nhỏ, thường: Bán Thời Gian + Công Sức + Vốn = Tiền.
– Không muốn làm thuê cho ai cả, tự muốn làm sếp cho chính mình và thường không thích thu nhập phụ thuộc vào người khác. Nhóm này thường càng thành công thì càng bận rộn và vất vả.
– Thường là những người có chuyên môn cao luôn cố gắng phát triển để trở thành chuyên gia và không thích đào tạo hay chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho người khác.
– Xã hội thường vẫn thuê những người này nhưng phải trả lương cao.
– Nhóm này thường xem tiền bạc không quan trọng bằng công việc, họ tin làm việc tốt sẽ có nhiều tiền.
* Nhóm B ( Chủ Doanh Nghiệp ):
(Thời Gian + Công Sức) * Nhiều Người + Vốn = Nhiều Tiền.
– Nhóm B hoàn toàn đối lập với nhóm S. Để thành công ở nhóm B bạn phải có khả năng sở hữu hoặc kiểm soát hệ thống và khả năng lãnh đạo mọi người.
– Nhóm B thường thích bao quanh mình những người thông minh khác bao gồm cả 4 nhóm. Họ tận dụng được sức lực và tiền bạc của người khác.
– Người nhóm B thích phân chia công việc cho người khác. Họ phát triển khả năng lãnh đạo và xây dựng hệ thống. Nếu họ lựa chọn đúng chiến lược và làm đúng thì có thể có rất nhiều tiền, thời gian và có khả năng vươn rất là xa.
– Nhóm B thường có quan điểm “Tại sao phải làm việc đó trong khi ta có thể thuê người khác làm việc cho ta, nhiều khi người khác còn giỏi hơn cả mình”.
– Thường là những nhà lãnh đạo giỏi và họ không ngừng trao dồi kiến thức và kỹ năng kinh doanh, lãnh đạo.
* Nhóm I ( Đầu tư ):
Thông tin + vốn = nhiều tiền
– Nhóm I là nền móng của sự giàu có. Nhóm này dùng tiền để tạo ra tiền, bắt tiền làm việc cho mình, đây là sân chơi của người giàu và dành cho những người muốn trở nên giàu có thực sự.
– Nhóm này thường tập trung vào phát triển những loại tài sản để tạo ra dòng tiền như: Những việc kinh doanh không cần sự có mặt, cổ phần, cổ phiếu, bất động sản sinh ra dòng tiền, trái phiếu, tiền bản quyền, hoặc bất cứ thứ gì tạo ra thu nhập hoặc tăng giá trên thị trường.
– Nhóm I là nhóm làm việc ít hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và nộp thuế ít hơn. Vậy tại sao không nhiều người tham gia? Cũng giống như không có nhiều người muốn trở thành chủ doanh nghiệp, lý do được gói gọn trong 1 từ “Rủi ro” và làm việc ở nhóm này đòi hỏi phải có kiến thức về tài chính, đầu tư, pháp luật và thị
trường.
Nhìn vào đặc điểm 4 nhóm trên chúng ta thấy có thể giàu lên hoặc nghèo đi khi làm việc 1 trong 4 vị trí, tuy nhiên mỗi vị trí thì mức độ giàu có khác nhau, kiếm tiền nhanh hay chậm khác nhau và cũng đòi hỏi cách tư duy, kỹ năng, kiến thức, môi trường giáo dục và kiểu người khác nhau tuỳ theo tính cách. Tuy nhiên kỹ năng nhóm B và I sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được những mục tiêu tài chính đã đặt ra.
– Nhờ vào “Kim Tứ Đồ” nên chúng ta biết tốt hơn là không nên quá quan tâm đến việc quyết định mình muốn làm gì mà hãy chú trọng tới quyết định mình sẽ trở thành người như thế nào?
– An toàn về tài chính là có chân trong cả hai phía của sơ đồ sự nghiệp. Còn để tự do tài chính thì bạn phải nằm trong cả nhóm B và I, vừa có mọi người làm việc cho bạn vừa có tiền làm việc cho bạn.
– Hãy đầu tư vào nhóm B trước lúc tham gia vào nhóm I. Bất kể đó là việc đầu tư vào đất đai, vào kinh doanh, cổ phiếu hay trái phiếu thì bạn cũng cần phải có một “Giác quan kinh doanh tổng hợp” để trở thành một nhà đầu tư nhạy cảm.
– Cần phải làm gì để chuyển từ bên trái sang bên phải kim tứ đồ, thực ra không cần phải thay đổi ngay những việc anh đang làm mà trước mắt anh cần phải thay đổi tư duy trước. Nói cách khác anh phải xác định anh phải là ai để làm những việc anh phải làm. Định vị – Hành động – Cán đích.
– Hầu hết những người giàu kiếm được 70% thu nhập từ đầu tư hay nhóm I, và chưa đầy 30% là từ tiền công hay nhóm E.
– Đối với phần lớn những người ở tầng lớp nghèo và trung lưu, 80% thu nhập của họ là từ tiền công kiếm được từ một vị trí trong nhóm E hoặc S và chưa đầy 20% từ đầu tư hay nhóm I.
– Có 3 điều hay xảy ra với nhóm bên trái E và S là: Sự lo lắng ẩn hiện ở khắp nơi, thiếu những kỹ năng cần thiết ở nhóm bên phải và họ thiếu một chiếc máy in tiền hay chỉ duy nhất một nguồn thu nhập từ lương. Thường có tầm nhìn ngắn, khao khát được hưởng thụ lợi ích trước mắt, họ vi phạm quy luật tích lũy và thường muốn nhận trước cho sau.
– Để thành công ở nhóm B và I đòi hỏi phải có năng lực tài chính, năng lực hệ thống và cả năng lực cảm tính. Đặc điểm của hai nhóm này là họ có kế hoạch và tầm nhìn dài hạn, tin vào việc gác lại lợi ích trước mắt và họ tin vào sức mạnh của sự tích lũy đối với lợi ích của mình.
2. Một số bài học điển hình về tư duy dạy con của 2 người cha:
* Bài học 1: Để trở nên giàu có thì con phải tập trung mua tài sản (Asset), hạn chế mua tiêu sản (Liability) và con phải học các kiến thức về tài chính, thị trường, đầu tư và pháp luật.
– Trong cuộc sống, vấn đề không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nẩy nở thế nào. Người giàu làm chủ tiền bạc và bắt tiền bạc làm việc cho mình, ngược lại người nghèo và trung lưu thường để tiền bạc làm chủ mình.
Tài sản bỏ tiền vào túi, còn tiêu sản lôi tiền ra khỏi túi.
– Người giàu kiếm được tài sản. trung lưu chỉ thu được tiêu sản, nhưng họ nghĩ rằng họ kiếm được tài sản.
– Người giàu sở hữu tài sản đúng, người trung lưu sở hữu công việc đúng, còn người nghèo sở hữu công việc sai.
– Ngôi nhà của bạn là một tài sản hay một tiêu sản phụ thuộc vào hướng lưu chuyển của tiền. Nếu tiền chuyển vào túi bạn, nó là tài sản. Nếu tiền ra khỏi túi bạn, đó là tiêu sản.
– Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Nếu muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản. Chính vì không biết được sự khác nhau này nên nhiều người gặp rắc rồi về tài chính.
– Điều thiếu sót trong vốn học của họ không phải là làm thế nào để kiếm được tiền, mà làm thế nào để sử dụng tiền – kiếm được tiền rồi thì cần phải làm gì với chúng. Cái này gọi là năng lực tài chính. Chi phí tăng thì tiêu sản cũng tăng.
– Một người thông minh là người thuê những người thông minh hơn
làm việc cho mình.
– Người giàu thường bảo “Trường học được thiết kế để tạo ra những người lao động tốt chứ không phải những ông chủ giỏi”.
– Giới trung lưu gọi việc đầu tư là một hành động “Mạo Hiểm”. Thật ra việc đầu tư không mạo hiểm. Chính sự thiếu thông minh nhanh nhạy về tài chính và thiếu kiến thức về tài chính đơn giản mới là nguyên nhân gây mạo hiểm. Nếu bạn làm việc theo đa số thì bạn phải nuôi: ông chủ, nuôi chính quyền, nuôi ngân hàng.
Bài học 2: Hãy trả cho mình trước.
“Làm thế nào để tự do tài chính?”
Tiền bạc là một chủ đề nhạy cảm và hầu hết chúng ta đều mơ hồ về nó. Quyết định tài chính quan trọng nhất trong cuộc đời bạn là Hãy trả cho mình trước. Hãy kiếm tiền nhiều hơn, chi tiêu ít hơn.
Dù bạn chưa có tiền, vẫn hãy cứ tìm cách thực hiện nó. Quan trọng không phải là số tiền bạn “trả cho mình trước” mà là tập thói quen quản lý tiền cho hiệu quả. Đó là cách người giàu vẫn làm. Hãy trả cho mình trước và bạn sẽ thấy sức mạnh kỳ diệu và hiệu quả của nó. Hãy biến những đồng tiền trả cho mình trước và thực hiện đầu tư để tiền đẻ ra tiền và nhớ sức mạnh của lãi kép.
Sự khác biệt duy nhất giữa người giàu và người nghèo nằm ở tư duy sử dụng tiền và tiêu tiền. Người nghèo chi tiêu tiền bạc của mình và tiết kiệm những gì còn lại. Người giàu tiết kiệm tiền bạc của mình và chi tiêu những gì còn lại. Số tiền thì giống nhau – chỉ có triết lý là khác nhau.
QUY TẮC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
* Quy luật 30/70 của Jim Rohn
30 % còn lại được phân bổ như sau:
– 10% dành cho từ thiện.
– 10% dùng để đầu tư.
– 10% còn lại dùng để tiết kiệm.
Dành 70% thu nhập dành cho chi tiêu
* Nguyên tắc 6 chiếc lọ của T.Harv Eker
– 50% dùng cho sinh hoạt
– 10% tiết kiệm đầu tư
– 10% học tập
– 10% dự phòng
– 10% giúp đỡ gia đình
– 10% cho đi
* Tài chính cá nhân theo quy tắc 50/30/20
50 % NHU CẦU
• Nhà ở
• Ăn uống
• Đi lại
• Sức khỏe
• Giáo dục
20 % TIẾT KIỆM
• Qũy khẩn cấp
• Tiết kiệm
• Đầu tư
30 % CÁ NHÂN
• Mua sắm
• Giải trí
• Du lịch
Nếu bạn có kế hoạch chi tiêu thông minh, am hiểu về công việc kinh doanh và đầu tư thì bạn phải bắt tiền làm việc cho mình từ ngay tháng lương đầu tiên, đó là con đường đưa bạn sớm đến với tự do tài chính.
* Bài học 3: Hãy làm việc để học, đừng làm việc vì tiền
– Có rất nhiều người đã dừng lại việc học tập và phát triển bản thân sau khi học xong Đại học hoặc sau khi hoàn thành công việc của họ. Họ không tìm tòi hoặc học thêm những kỹ năng mới để giúp họ cải thiện công việc giúp cho mình thăng chức hoặc kiếm được nhiều tiền hơn.
– Khi đã định vị được nhóm công việc mình muốn trong tương lai để sớm tự do tài chính thì hãy “làm việc để học – Đừng làm việc vì tiền”.
– Người cha giàu khuyến khích tôi tìm hiểu mỗi thứ 1 chút. Ông khuyến khích tôi làm việc với những người thông minh hơn mình, và tập hợp những người thông minh này thành một nhóm. Và xem mỗi lần thất bại là một bài học để hướng tới thành công nhanh hơn.
– Nếu bạn muốn giàu có thì bạn phải học cách chấp nhận rủi ro và hãy học cách làm một nhà đầu tư. Đầu tư không phải là một môn học được giảng dạy ở trường mà bạn phải tự học.
– Kiến thức là sức mạnh và là tài sản lớn nhất của con người. Trong thời buổi kinh tế biến động như hiện nay, sự chuyển giao tiền bạc thường hay xảy ra. Nếu không có tiền, bạn hãy đầu tư vào sự nghiệp học hành để khi có cơ hội đến để sử dụng những kiến thức ấy và khi đó bạn sẽ có tiền.
– Tư Duy là công việc nặng nhọc nhất trong số các công việc. Đó là lý do vì sao ít người muốn làm việc đó.
– Công việc ổn định là tất cả đối với người cha học thức cao của tôi. Còn đối với người cha giàu, học hỏi tất cả.
– Người cha nghèo có học thức cao thường làm việc chăm chỉ, tích cực và tay nghề ngày càng cao, chuyên môn hoá cao và càng ngày ông cũng mắc bẫy nhiều hơn, bị hạn chế các lựa chọn.
– Cả hai người cha của tôi đều là những người rộng rãi. Cả hai đều tập cho tôi thói quen cho trước khi nhận. Dạy là một cách cho đi. Họ càng cho nhiều thì họ càng nhận được nhiều. Nhưng về tiền bạc thì cách cho của hai người khác nhau. Tư duy người cha giàu cho trước nhận sau, cha nghèo thì nhận trước cho sau.
* Bài học 4: Việc làm hằng ngày hay thói quen hằng ngày của bạn quyết định bạn là ai trong tương lai.
Tư duy > Cảm xúc > Hành động > Thói quen > Tính cách > Cuộc đời.
Muốn thay đổi cuộc đời chúng ta thì chúng ta phải thay đổi tư duy và thói quen trước.
– Ai cũng biết điều này nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu bạn hỏi bất cứ người nào có muốn giàu không, khỏe mạnh không, được mọi người kính trọng không… thì ai cũng bảo có. Nhưng những việc họ muốn và việc họ làm hoàn toàn khác nhau. Ai cũng muốn kiếm tiền ở thị trường BĐS hay chứng khoán nhưng không phải ai cũng dành thời gian học tập cũng như nghiên cứu về nó. Trong cuộc sống lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực, tầm của bạn đến đâu thì tiền của bạn tới đó, ít khi Doanh nghiệp của bạn phát triển vượt qua năng lực của bạn.
– Sự khác nhau duy nhất giữa những người giàu có và người nghèo là việc họ làm lúc rảnh rỗi.
* Bài học 5: Hãy nghĩ đến việc kinh doanh của bản thân.
– Suy nghĩ của đa số thanh niên là học gì thì làm nấy.
– Nguyên nhân chính khiến phần đông người nghèo và người trung lưu luôn miệng bảo: “Tôi không có tiền để mạo hiểm” – Chính là vì họ không có một nền tảng tài chính nào. Họ phải bám lấy công việc vì họ muốn được an toàn.
– Sai lầm trong vấn đề này là rất nhiều người quên nghĩ đến việc kinh doanh riêng của mình. Suốt đời họ quan tâm đến việc kinh doanh của một người nào khác và giúp cho người đó giàu lên. Muốn được an toàn về mặt tài chính, một người cần phải nghĩ đến việc kinh doanh riêng của mình.
– Người giàu tập trung vào cột tài sản, trong lúc những người khác thường chỉ tập trung vào báo cáo thu nhập. Những loại tài sản mà người giàu tập trung như: Những việc kinh doanh không cần sự có mặt cổ phần, cổ phiếu, bất động sản sinh ra dòng tiền, trái phiếu, tiền bản quyền, hoặc bất cứ thứ gì tạo ra thu nhập hoặc tăng giá trên thị trường.
– Người nghèo và trung lưu thường mua những thứ xa xỉ trước nhà cửa, xe sang, trang sức,… Để chứng minh mình giàu có nhưng thực chất đang nợ ngập đầu. Trong khi người giàu thường tập trung vào tài sản và mua sau.
* Bài học 6: Liên đoàn – Bí mật lớn nhất của người giàu.
– Một liên đoàn chỉ đơn thuần là một cặp giấy tờ với tài liệu hợp pháp nằm trong vài văn phòng luật sư và được đăng ký với cơ quan nhà nước. Người giàu che giấu phần nhiều tài sản của họ bằng các phương tiện như liên đoàn và tín dụng để bảo vệ tài sản của mình. Khi ai đó kiện tụng một người giàu, họ thường gặp phải nhiều lớp bảo vệ hợp pháp, và thường thì họ thấy rằng người giàu này thực sự không có gì cả. Họ điều khiển mọi thứ nhưng không sở hữu một cái gì hết. Còn người nghèo và trung lưu thì lại cố sở hữu mọi thứ rồi để chúng lại rơi vào tay chính quyền hoặc những người thích kiện tụng người giàu và họ rất sợ chính quyền.
– Người giàu với liên đoàn: Kiếm tiền Dùng tiền Trả thuế
– Người làm việc cho liên đoàn: Kiếm tiền Trả thuế Dùng tiền.
– Trí thông minh tài chính được tạo ra nhờ 4 kỹ năng chuyên môn sau: Kế toán hay hiểu biết về tài chính, đầu tư hay những chiến lược và công thức tiền kiếm tiền, hiểu biết thị trường hay ngành khoa học của cung cầu, hiểu biết về pháp luật hay một liên đoàn được gói kỹ bằng những kỹ năng kỹ thuật kế toán và đầu tư, tiếp thị có thể đem đến một sự phát triển nổ.
* 7 cấp độ đầu tư:
– Cấp 0: Những người không có gì để đầu tư.
Những người này không có tiền để đầu tư. Những người này không có tiền để đầu tư. Họ thường tiêu hết hoặc tiêu nhiều hơn những gì họ kiếm được. Rất nhiều người rơi vào nhóm này.
– Cấp 1: Người đi vay.
Họ thường đi vay để giải quyết các vấn đề về tài chính hoặc đi đầu tư. Cách hoạt động tài chính của những người này là lấy tiền của người này trả tiền cho người khác. Những người này trông có vẻ giàu có, nhưng nếu để ý kỹ thì họ mua mọi thứ từ tiền đi vay.
– Cấp 2: Những người tiết kiệm.
Những người này để dành một khoản tiền nhỏ, thường là trên cơ sở định kỳ. Họ thường tiết kiệm tiền hoặc gửi ngân hàng để có khoản tiền cho tuổi già
– Cấp 3: Nhà đầu tư khôn ngoan.
Đây là những người có tiền, giỏi trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Họ cũng tham gia các quỹ hưu trí của công ty, đôi lúc tham gia vào quỹ tương hỗ, trái phiếu và cổ phiếu. Đây thường là tầng lớp trung lưu và họ thường không có kiến thức về đầu tư và thiếu sự tinh vi trong đầu tư.
– Cấp 4: Những nhà đầu tư dài hạn.
Những người này biết rất rõ tầm quan trọng của đầu tư. Họ chủ động tham gia vào các hoạt động đầu tư của mình. Họ thường có những kế hoạch đầu tư dài hạn giúp họ đạt được những mục tiêu tài chính của mình. Họ thường không phải là những nhà đầu tư lớn, và thường đi tìm lời khuyên từ các nhà hoạch định tài chính chuyên nghiệp. Họ không thích đầu tư vào BĐS hay những phi vụ đầu tư mạo hiểm.
– Cấp 5: Những nhà đầu tư tinh vi.
Những nhà đầu tư này thường tìm kiếm nhiều phi vụ đầu tư lớn và mạo hiểm. Họ có thói quen làm việc với tiền rất tốt, có một nền móng tài chính rất vững chắc và có những hiểu biết về đầu tư. Họ có một thành tích chiến thắng liên tục, có bề dày kinh nghiệm được rút ra từ những sai lầm trong quá khứ. Họ cũng là những người có nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Nhóm này thường đem những kiến thức học được truyền cho con cái và để lại gia tài cho thế hệ dưới hình thức công ty hoặc hiệp hội. Những người này thường có đội ngũ tư vấn riêng để gia tăng tài sản.
– Cấp 6: Các nhà tư bản.
Rất ít người đạt được cấp độ này trên thế giới . Đây là những người rất xuất sắc ở cả nhóm B và I. Họ thường là những người giúp người khác trở nên giàu có, tạo công ăn việc làm và làm những việc người khác không làm được.
* Những lời khuyên từ cuốn sách:
– Thay đổi vị trí thường là một sự kiện làm thay đổi cuộc sống. Sự thay đổi này có thể dễ dàng đối với người này nhưng lại khó đối với người khác, đơn giản là vì một số người thích thay đổi nhưng một số lại không.
– Để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc, trước tiên chúng ta phải là một người biết lắng nghe. Nếu không nghe cách sử dụng từ ngữ của người khác, bạn sẽ không cảm nhận được suy nghĩ của họ. Nếu bạn không đọc được suy nghĩ của họ, bạn sẽ không thể biết được mình đang nói chuyện với ai.
– “Nhà lãnh đạo phải có khả năng khai thác mặt mạnh của mọi người”. Để thành công trong kinh doanh thì những kỹ năng cần phải có là đọc báo cáo tài chính, marketing, bán hàng, kế toán, quản lý, sản xuất và đàm phán.
– Nếu bạn muốn giàu có thì bạn phải học cách chấp nhận rủi ro và hãy học cách làm một nhà đầu tư. Đầu tư không phải là một môn học được giảng dạy ở trường mà bạn phải tự học.
– Warren Buffett cho rằng trong đầu tư nên tập trung vào một vài phi vụ hoặc một vài danh mục là một chiến lược tốt để trở nên giàu có, đa dạng hoá là một chiến lược đầu tư để không thua lỗ.
– Tại sao 90% dân số luôn tìm kiếm tính ổn định trong công việc hay làm việc ở nhóm E và S là vì họ làm đúng những gì họ được dạy ở nhà và ở trường.
– Robert Kiyosaki thường học được nhiều điều từ người cha giàu vì ông càng thành công thì ông càng có nhiều thời gian và nhiều tiền hơn dành cho ông, cho gia đình, đi du lịch, từ thiện, giúp đỡ người khác… Ngược lại Cha đẻ càng thành công thì ông càng bận rộn và có rất ít thời gian dành cho gia đình, ông thường dành nhiều thời gian trên đường, các cuộc họp và cuối tuần thường ngồi lỳ trong phòng làm việc và ngập đầu với đống giấy tờ.
– Để thành công ở nhóm B và I thì bạn phải có kiến thức về tiền hay gọi là “Năng lực tài chính”. Năng lực tài chính không phải là bạn làm được bao nhiêu tiền mà là bạn nắm trong tay bao nhiêu tiền và tiền đó làm việc cho bạn hiệu quả đến mức nào, bạn có thể giữ tiền cho bao nhiêu thế hệ.
– Những nhà đầu tư thực thụ thường kiếm được tiền khi thị trường bất ổn.
– Thực tế đầu tư cần nhiều vốn và kiến thức, kiến thức được đúc rút ra từ những sai lầm (đầu tư sai lầm là mất tiền). Nếu bạn thiếu cả vốn và kiến thức mà tham gia vào đầu tư thì đồng nghĩa với tự sát. Thất bại là một phần của hành trình đến với thành công. Bạn không thể thành công mà không có thất bại.
– Người khác nghĩ về mình như thế nào không quan trọng. Điều quan trọng là mình nghĩ về bản thân như thế nào.
– Hầu như mọi người đầu tư 95% bằng cảm tính và 5% bằng tư duy. Đó là lý do 10 nhà đầu tư thì 9 người mất tiền. Muốn thành công trong đầu tư thì phải 5% bằng mắt và 95% tư duy.
– Lợi nhuận thường được tạo ra ngay lúc mua chứ không phải lúc bán.
– Tìm kiếm sự an toàn và tránh rủi ro là việc làm nguy hiểm nhất.
– Thực tế những người học giỏi và những người làm việc chăm chỉ thường không giàu được. Nếu bạn muốn giàu có, bạn cần phải suy nghĩ độc lập và không nghe theo số đông. Nếu làm những việc người khác làm, thì bạn sẽ có những gì người khác có.
– Cần phải làm gì để chuyển từ bên trái sang bên phải kim tứ đồ, thực ra không cần phải thay đổi ngay những việc anh đang làm mà trước mắt anh cần phải thay đổi tư duy trước. Nói cách khác anh phải xác định anh phải là ai để làm
những việc anh phải làm. Định vị – Hành động – Cán đích.
– Những người có suy nghĩ thua cuộc sẽ luôn thất bại dù cho họ mua cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hay tham gia quỹ tương hỗ.
– Những người khó khăn về tài chính thường không kiểm soát được cảm xúc của mình hay họ để cảm xúc chế ngự suy nghĩ của mình. Họ thường nói: Đầu tư không hợp và nó quá phức tạp, mạo hiểm, rủi ro.
– Chìa khoá để trở thành một nhà đầu tư lớn là phải bình tĩnh trước mọi thắng thua. Khi đó những suy nghĩ cảm xúc như nỗi sợ hãi và lòng tham sẽ không ảnh hưởng đến tư duy của bạn.
– Trong cuộc sống, những người thua cuộc thường làm những việc tương tự: Họ duy trì hôn nhân khi không còn tình yêu. Họ cố bám lấy những công việc gần như không thể duy trì được nữa. Họ giữ lại những bộ quần áo và những thứ không bao giờ dùng đến nữa. Họ sống ở nơi không còn hi vọng gì cho tương lai nữa. Họ chơi với những người khiến cho tình hình của họ ngày càng tồi tệ hơn.
– Nếu vay nợ cá nhân, hãy chắc chắn đó là số tiền nhỏ. Nếu vay nợ nhiều, hãy chắc chắn có người trả nợ cho mình.
– Người giàu thường không muốn sở hữu bất cứ thứ gì dưới tên của mình. Tài sản của họ được giữ bởi những người tin cậy hoặc các công ty có thể bảo vệ được nó. Họ thường Kiếm tiền – tiêu tiền – nộp thuế.
– Một hành trình hàng nghìn dặm thường bắt đầu từ những bước đi ngắn. Đừng làm việc chăm chỉ mà hãy làm việc thông minh.
– Thành công của một người được đo bằng sức mạnh của ý chí, độ lớn của ước mơ và cách xử lý trước tình trạng tuyệt vọng luôn sẵn sàng xảy ra.
– “Những cuốn sách ta đọc, những người thầy ta học là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới cuộc sống của ta. Đó là cách rút ngắn con đường đi tới thành công của mình nhờ ngồi trên vai của người khổng lồ – những người đã thành công lớn và thất bại lớn”.
– Ai cũng nói là cho đi nhưng quan trọng là ai dám cho đi trước mới là điều quan trọng nhất. Nhiều ông chủ nói rằng việc nhân viên của mình xây dựng hệ thống kinh doanh riêng sẽ hại cho việc hiện tại của công ty, nhưng thực tế khi
có mục đích phấn đấu nhân viên sẽ chăm chỉ phấn đấu và khát khao nhiều hơn bằng cách tập trung nhiều hơn việc phát triển bản thân để trở thành một nhân viên tốt hơn.
Hãy thật lòng với bản thân. Nếu bạn chưa là một nhà đầu tư dài hơi, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt. Hãy ngồi xuống và vạch ra một kế hoạch tăng thu nhập, kiểm soát thói quen chi tiêu. Hạn chế số nợ và công nợ, hãy sống trong khả năng thanh toán. Hãy trả cho mình trước rồi mới chi tiêu, hãy xác định số tiền đầu tư hàng tháng.
Hãy xây dựng mục tiêu đến tuổi nào thì bạn định nghỉ việc?
Bạn chi tiêu bao nhiêu một tháng cho mức sống mong muốn?
Tôi tin rằng bất kể ai cũng có thể tìm được con đường đi đến tự do tài chính, bất kể họ đang tham gia vào nhóm công việc nào. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường cuối cùng lại phụ thuộc vào khát vọng và ý chí của mỗi người